Xử Nữ Thứ Ba - 30/08/2022

Cold reading và ba dạng thức của Tarot reading

1

Nếu bạn đang nghiên cứu về Tarot, hẳn là cũng ít nhất một lần bạn nghe đến khái niệm Cold reading. Vậy Cold reading là gì?

Mặc dù Tarot ở Việt Nam chưa được phát triển nhiều, nhưng với tốc độ lan tỏa của nó trong thời điểm hiện tại thì việc nhìn lại định hướng của nó một cách rõ ràng có lẽ sẽ giúp được các bạn rất nhiều trong việc giúp đỡ khách hàng, cũng như nâng cao kiến thức bản thân. Bài này được viết ra để giúp tất cả hiểu hơn về bản chất những gì chúng ta có thể làm với Tarot, với khách hàng. Chúng ta làm thế liệu đã thực sự tốt? (Mình không muốn bàn tới chuyện đúng sai ở đây nhé)

Đầu tiên, có lẽ chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng một chút về khái niệm “cold reading”. Đây cũng là phần I của bài viết này vì nội dung khá dài.

I. COLD READING 

cold reading

 1. Khái niệm cold reading / hot reading / warm reading

Theo đúng định nghĩa, “Cold reading” (“Đọc nguội” – dịch thô) là những biện pháp được sử dụng bởi các nhà tư vấn tâm lý, các bác sĩ tinh thần, các ảo thuật gia và các thầy bói (sau đây mình tạm gọi là các cold readers) để xác định các thông tin cụ thể về đối tượng (người tìm đến cold reader để nghe) – thường là để thuyết phục đối tượng rằng mình rất hiểu về họ (mặc dù sự thật thì không phải thế). Khi không có sẵn thông tin của đối tượng, một cold reader kinh nghiệm vẫn có thể nhanh chóng có được rất nhiều thông tin về đối tượng đó bằng cách: phân tích ngôn ngữ cơ thể, giới tính và độ tuổi, quần áo phụ kiện trên người, kiểu tóc, tôn giáo, chủng tộc/ dân tộc, cách thức giao tiếp…

Các cold readers thường sử dụng biện pháp suy luận với xác suất chính xác rất cao từ những tín hiệu thông tin đối tượng cung cấp (dù là nhỏ nhất), thậm chí sau đó họ biết rằng suy đoán/nhận định của mình đã sai cũng chỉ qua quan sát.  Cuối cùng là nhấn mạnh, củng cố những thông tin đúng với đối tượng trong khi nhanh chóng bỏ qua các suy đoán sai trước đó.

Ta cần phân biệt cold reading với khái niệm “hot reading” – đây là thủ pháp tìm hiểu thông tin của đối tượng một cách bí mật từ trước, để có thể gây ấn tượng mạnh sau này. Giả định có một khách hàng book lịch nói chuyện với bạn sau hai ngày tới, trong phần booking có mục email và số điện thoại. Bạn bỏ ra một tiếng quần thảo với google với ‘keywords’ là email và số điện thoại đó, cuối cùng bạn có được thông tin cụ thể, cá nhân của khách hàng đó. Cuối cùng tới lúc gặp gỡ, bạn sẽ rất dễ gây ấn tượng vì làm cho khách hàng có cảm giác điều gì bạn cũng biết.

Và một khái niệm khác cũng có thể nhầm lẫn là khái niệm “warm reading” – đây là một tập hợp nhỏ vài phương pháp nằm trong Cold reading – hiểu đơn giản là reader luôn luôn nói ra những thông tin đúng, nhưng thực ra là lúc nào nó cũng đúng, với ai nó cũng đúng.

2. Bắt đầu một buổi Cold reading

Trước khi bắt đầu, thường thì một cold reader luôn cố gắng gợi ý với đối tượng để đối tượng sẵn sàng hợp tác. Chẳng hạn “Có thể những quan sát, góp ý của bạn sẽ giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng, vì những gì tôi nhìn thấy thường không được chi tiết, cụ thể và rõ ràng lắm”. Một quá trình cold reading thuyết phục sẽ là một quá trình mà trong đó cả hai bên đều có sự trao đổi, tương tác về bất cứ thứ gì không rõ ràng – với mục đích giúp cho cold reader có thể đưa ra kết luận cuối cùng một cách cụ thể nhất – dù là dựa vào cái gì.

Một trong những điểm quan trọng của cold reading là: người nói nhiều là reader, nhưng người đưa ra phần ý nghĩa lại là đối tượng. Cho nên trong trường hợp đối tượng có trục trặc (đang bất ổn tâm lý, ốm đau…), thì reader là người sẽ phải tập trung suy đoán, quan sát nhiều hơn bình thường.

Sau khi đã phần nào chắc chắn đối tượng của mình sẽ hợp tác, reader sẽ bắt đầu đưa ra một số câu hỏi, nhận định thăm dò qua một vài phương pháp warm reading mà mình sẽ liệt kê ở mục 3 sau. Đối tượng sẽ tiết lộ thông tin (dù bằng lời nói hay không), nhiệm vụ của reader là quan sát, nhận định, suy đoán để xem mình có nên tiếp tục theo đuổi con đường đang đi (tự thấy mình đúng – chuyên môn gọi là “a HIT”) hay nên rẽ (trong trường hợp nhận thấy phản ứng không ổn từ đối tượng – chuyên môn gọi là a “MISS”). Cho nên, mặc dù kết luận vẫn nằm ở phía reader, nhưng nguồn gốc thông tin thì lại đến từ đối tượng, chỉ là sau đó nó được tinh chế lại mà thôi. Và đương nhiên vì thế, đối tượng sẽ luôn có cảm giác rằng reader đã nói đúng.

cold reading

Có những tín hiện thông tin khá tinh tế như biểu hiện thay đổi trên cơ mặt (nhếch mép, nhíu mày, nhăn trán, mở to mắt….), những ngôn ngữ im lặng của cơ thể (xoa cằm, vuốt tóc, tỳ tay lên bàn, bẻ ngón tay…)… và một cold reader giỏi luôn phân tích được ý nghĩa của nó để biết mình đang đi đúng hướng hay không. Kết hợp các kỹ thuật cold reading với những thông tin khác từ phương pháp hot reading, reader sẽ tạo ra được một ấn tượng mạnh rằng reader – một người xa lạ hoàn toàn với đối tượng – hiểu biết rất sâu sắc về cái mình đang nói. Thời gian của một cold reader luôn được tách ra để làm hai việc chính:

– Nhận ra các tín hiệu thông tin cho thấy mình “HIT”, và phát triển nó.

– Nhận ra các tín hiệu thông tin cho thấy mình “MISS”, và cần rời khỏi hướng đi này.

Phần dưới cần phải được giảm thiểu, còn phần trên phải được phát huy tối đa – tỷ lệ này quy định trình độ của một cold reader.

(Ngoài lề: chúng ta vẫn thường áp dụng cold reading trong cuộc sống mà không để ý đấy thôi, khi con trai nghe con gái nói “Anh đi về đi” rồi mắt chớp chớp thì phải hiểu là “Anh về = chết với tôi”, hay “Em ổn” + cười cười nhạt –> “Em đang rất tệ”. Con gái mà nghe con trai nói “Em mặc chiếc váy này trong thật tuyệt vời” thì có nghĩa là “Anh rất vui nếu em cởi nó ra, em sẽ còn tuyệt vời hơn nữa”… Hoặc các cao nhân sát gái vẫn thường nói, nếu nói chuyện lần đầu với một cô gái mà cô ý cứ vuốt tóc liên tục thì có nghĩa là cô ý đang mất tự tin trước mình…).

3. Những phương pháp cơ bản

3.1. Phương pháp bắn súng săn – Shotgunning

Có lẽ đây là một phương thức được sử dụng rất rộng rãi. Cold reader nói (thường là chậm rãi) những thông tin mà rất ít khi sai (áp dụng được với số đông), quan sát đối tượng để xác minh sự đúng đắn, sau đó sẽ thu hẹp phạm vi thông tin dần dần với mục tiêu kích động sự thể hiện cảm xúc của đối tượng.

Đây là những câu nói ví dụ của phương pháp này:

– Bạn có quen biết với một anh bạn / cô gái họ Nguyễn.
–  Tôi thấy là trong gia đình của bạn có hình ảnh một người cha với các triệu chứng về bệnh tim (có thể là chú, bác, bố, ông, cụ…)
– Tôi thấy hình ảnh một người phụ nữ không cùng dòng máu với bạn xuất hiện đâu đó cùng hình ảnh của bạn thời nhỏ. Tôi thấy vùng ngực cô ấy có màu đen, có thể là tim phổi có vấn đề, có thể là ung thư…
– Tôi thấy hình ảnh của một người đàn ông trong gia đình, bất đồng quan điểm với bạn nhưng rất yêu thương bạn…

3.2. “Mệnh đề Barnum” / “Hiệu ứng Barnum”, hay còn gọi là “Hiệu ứng Forer”

Phương pháp này có thể có đôi chút tương đồng với 3.1, một số tài liệu trộn chung vào với 3.1 nhưng mình thì thấy đặc trưng của nó hơi khác biệt một chút. Đây là những câu nói mang tính cá nhân rất cao, nhưng đại đa số đều như vậy. (Trong khi shotgunning thì nói về một số đông). Đối với những câu dạng này, thường thì đối tượng hay lục lọi trí nhớ của mình rồi mới xác minh được. Một cold reader giỏi thuyết phục, thậm chí còn có thể làm cho đối tượng khi không nhớ ra thứ gì liên quan lại quay ra tự trách trí nhớ của bản thân mình – thay vì nghĩ theo chiều hướng reader đang nói sai.

cold reading

Đây là những câu ví dụ:

Tôi thấy bạn đôi lúc có cảm giác không an toàn với đối tượng mình giao tiếp.
– Bạn có những bức ảnh để lộn xộn trong nhà.
– Khi còn nhỏ, bạn gặp tai nạn gì đó liên quan tới nước.
– Bạn đang mâu thuẫn với một người thân hoặc bạn bè.
– Những nỗ lực của bạn đang không được thừa nhận, và bạn đang có cảm giác không tốt vì điều đó.
– Bạn đang đeo một vật có liên quan đến một mối quan hệ cá nhân

…..

Những reader sử dụng một cách thông minh những câu nói này có thể được liệt vào hàng ngũ “warm readers”.

3.3. Cầu vồng

Phương pháp này đề cập tới hai mặt của cùng một vấn đề thường đi kèm nhau, và vì thế đối tượng nếu đã có mặt một thì đương nhiên sẽ có mặt hai. Giả định qua quan sát, reader thấy được đối tượng là một người hiền lành:

–> Bạn là một người hiền lành, nhưng khi cảm xúc tác động mạnh, bạn sẽ không khống chế được bản thân và nhiều lúc trở thành cục tính.

Nếu thấy đối tượng mỉm cười nhiều, nhưng vấn đề đặt ra lại không vui vẻ gì:

–> Bạn là người lạc quan vui vẻ, nhưng trong quá khứ tương đối gần, tôi thấy hình ảnh bạn đang nổi giận.

4. Cold reading vô thức

Trước khi tìm hiểu mục này, ta tìm hiểu hai khái niệm liên quan về phản xạ và trực giác.

4.1. Phản xạ có điều kiện

Có lẽ khái niệm này đa số chúng ta đều biết. Ví dụ kinh điển về dạng thức phản xạ này là khi mỗi lần trước khi ta cho chó ăn thì ta bấm chuông, về sau khi chó đã quen, mỗi khi ta bấm chuông thì dạ dày chó tiết ra dịch vị vì chó biết mình sắp được ăn.

Con người cũng thế, mỗi lần ta nhìn thấy quả khế thì lập tức có ngay cảm giác bị chua miệng. Thường thì phản xạ này phát sinh sau khi não nhận được thông tin, và bão lục được đâu đó trong phần trí nhớ/kinh nghiệm về hành vi hợp lý để ứng xử. Còn những hành động phát sinh trước khi não tích lũy được trí nhớ/kinh nghiệm thì thuộc về khái niệm bản xạ vô điều kiện, bản năng mà trong phạm vi bài viết này mình sẽ không đề cập tới.

4.2. Trực giác

Nói ngắn gọn thì trực giác là thứ cho chúng ta những thông tin mà quan sát, nhận định (thuộc về ý thức chủ động) không thể cho chúng ta thấy được. Có thể dùng từ khác để nói về trực giác : “cảm nhận”. Ví dụ:

–  Tôi cảm thấy có gì đó nguy hiểm…
–  Hình như anh đang không thật lòng với em…

Cả hai câu nói này đều có thể được nói ra khi người nói chẳng có gì chứng minh được cho nửa sau câu nói của mình.

cold reading

4.3. Sự liên quan tới Cold reading

Có nhiều người sử dụng Cold reading một cách vô thức, đa phần là những người giỏi quan sát (Bản thân mình cũng là một trong số đó). Mặc dù họ không chủ định lừa gạt các đối tượng, nhưng mục tiêu chính của họ thường là để thuyết phục đối tượng ngả theo ý mình. Và vì là để thuyết phục, họ hay đặt ra các câu hỏi (chứ không phải các mệnh đề khẳng định) với đối tượng để tự bản thân đối tượng đồng ý nghe theo. Ví dụ, để động viên một người bạn gái đang ngồi một mình trong góc:

– Cold reader (quan sát): bạn có vẻ đang buồn?
– Cô gái (cố giấu và mỉm cười): không, không đâu, mình ổn.
– Cold reader (nhận ra ý nghĩa của nụ cười đó, quan sát thấy đôi mắt có quầng của cô gái, nhìn thấy một vạch trắng trên ngón tay cho thấy chiếc nhẫn vừa được tháo ra cách đây không lâu): Bạn có biết nói dối là không tốt cho sức khỏe không? Ra đây, mình sẽ giới thiệu bạn với một vài chàng trai thú vị.……………….

Khi kinh nghiệm cold reading vô thức đã đạt tới một mức cao, những cold reader này sẽ bắt đầu có cảm giác mình có khả năng đặc biệt, ví như đọc được suy nghĩ người khác, mình có tài năng thiên bẩm, trực giác tuyệt vời…. Đây là một sai lầm. Quan sát và nhận định thuộc về lý trí chứ không phải là trực giác. Toàn bộ các phân tích, suy luận của cold reader dạng này xảy ra rất nhanh, nó làm cho reader đôi lúc có cảm nhận rằng hình như mình không suy luận gì cả mà tự thông tin đến với mình. Tức là reader hiểu nhầm toàn bộ các phản xạ phân tích có điều kiện của mình thành thông tin do trực giác mang lại.

Điều này nếu không được nhận định đúng, sẽ là có hại thay vì có lợi cho chính bản thân bạn. Hãy hiểu biết về chính bản thân mình, từ đó mới có thể biết mình nên sử dụng khả năng của bản thân vào mục đích gì cho hợp lý.

5. Mục tiêu của Cold reading

Như trong phần khái niệm mình đã đề cập, Cold reading luôn có mục tiêu chính là làm cho đối tượng tin vào mình, không đề phòng nữa. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

5.1. Tin để lừa gạt, mưu lợi

Đây là mục tiêu rất dễ hiểu. Cold readers dạng này MUỐN lừa gạt đối tượng tin mình để thực hiện một hành vi có lợi cho bản thân. Đơn giản nếu nói 5 câu đúng thì câu thứ 6 đa phần đối tượng cũng sẽ thấy đúng, và câu thứ 6 là câu mưu lợi cho bản thân reader. Các bạn chăm đọc báo sẽ thấy nhan nhản các ví dụ về Cold/Hot reader lừa gạt người khác.

cold reading

5.2. Xáo trộn nguồn gốc thông tin

Đa số Cold readers kiểu này sử dụng cold reading kẹp với một phương pháp trao đổi thông tin dạng khác – Tarot reading cũng nằm trong này. Thay vì cung cấp thông tin của Tarot, reader cung cấp thông tin do cold reading mang lại, nhưng cố gắng thuyết phục đối tượng rằng đó là thông tin ra Tarot mang lại. Trong này còn có nhiều dạng thức khác nhưng chủ yếu liên quan tới tâm linh như bói bã trà, xem tướng, xem tử vi…

Dạng thức sử dụng này là tốt hay xấu thì lại liên quan trực tiếp tới mục tiêu của hình thức trao đổi kia. Nhưng nếu nói riêng về Tarot thì có lẽ ai cũng muốn mình chỉ là một Tarot reader biết cold reading, nhưng đa số theo mình quan sát thì lại là những Cold readers biết về Tarot. Nhưng có lẽ tệ hơn cả là những cold reader có mục tiêu áp chế tâm lý người khác dựa trên một dạng thức tâm linh.

6. Phân biệt Cold reading với một vài biện pháp tâm lý khác

Có một số biện pháp tâm lý cũng gần giống như Cold reading (để đối tượng tự đưa ra thông tin chính) nhưng lại không liên quan tới mục tiêu làm đối tượng tin mình. Chẳng hạn như thôi miên, Tarot guiding (từ mình tự đặt ra, để phân biệt với Tarot reading thông thường). Hầu hết những dạng thức này đều có mục tiêu tốt cho đối tượng chứ reader không cần chứng tỏ gì về bản thân cả.

Nguồn: xemtarot.net

Tác Giả