Sư Tử Thứ Hai - 01/08/2022

Chiêm tinh và Trịnh Công Sơn

0
Tiêu đề bài viết hiển nhiên đu theo phim, nhưng nội dung thì không. Đây đơn thuần là bài phân tích bản đồ sao Chiêm tinh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhằm có cái nhìn bao quát về ông dưới tư cách một người nghệ sĩ, một triết gia, một biểu tượng phản chiến, và một người đàn ông trong tình yêu.

🎶 “NGƯỜI HÁT RONG VỀ NHỮNG GIẤC MƠ ĐỜI HƯ ẢO”
Nói đến phong cách Trịnh trước tiên là nói đến tính lãng mạn, bay bổng, huyền hoặc: “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn lòng, lòng hoa bướm say”. Khả năng tạo ra những cõi miền nghệ thuật bảng lảng sương khói, vượt xa đời thực hiển nhiên là biệt tài của Song Ngư – không chỉ Mặt trời mà cả sao Thủy và sao Mộc của ông đều nằm trong cung Hoàng đạo thoát tục này. Hải Vương tinh (mơ mộng, lí tưởng) trong nhà 12 (thoát li) nằm tách biệt nhất so với các hành tinh khác và tạo lực đẩy cho cả bản đồ sao cũng góp phần tăng thêm sự bay bổng cho nghệ thuật của Trịnh. Đó là chưa kể Hải Vương kì ảo còn nằm trong cấu hình Đại tam hợp với Thiên Vương (sáng tạo) và Kim tinh (nghệ thuật).
Mặt trời Song Ngư đã đủ nhạy cảm và dễ rung động, ở đây còn được bắt tay với Mặt trăng Song Tử và cung Mọc Xử Nữ – cả ba cung đều thuộc tính Linh hoạt – tạo nên một tâm hồn nghệ sĩ dễ rung cảm bậc nhất theo từng lay động của thế giới. Để có thể chỉ nhìn một “Chiếc lá thu phai” mà giật mình cất tiếng thở dài cho sự ngắn ngủi và vội vàng của đời người.
Tính bay bổng và sự nhạy cảm đó, cộng với thiên phú về ngôn ngữ kết thành hoàn thiện tài hoa nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Thực tế các tác phẩm của ông không hề đặc sắc về phần nhạc, mà in dấu ấn đậm nét trong công chúng là ở phần lời. Tách đi giai điệu thì mỗi bài hát tự nó đã là một áng thơ diễm lệ: “Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm/ Rồi có hôm nào mây bay lên”. Ca từ như ở sẵn trong ông, và Trịnh “nảy ra ngôn từ dễ như lấy đồ trong túi”. Không khó để tìm thấy các dấu hiệu về khiếu ngôn ngữ trong bản đồ sao của ông: Mặt trăng Song Tử, sao Hỏa nhà 3, và sao Thủy nhận về đến bảy góc chiếu, trong đó có góc trùng với Mộc tinh trù phú.
🎶 TRIẾT GIA ÂM NHẠC
Không chỉ phong phú và giàu chất thơ, ngôn từ trong nhạc Trịnh còn đậm tính triết lý. Như lời của ông: “Tôi vốn thích triết học và vì thế muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình, một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc lời ru con của mẹ”. Với Mặt trăng Song Tử nhà 9, việc truyền đạt (Song Tử) các đức tin và triết lý sống (nhà 9) vốn dĩ là nhu cầu tự nhiên như hơi thở (Mặt trăng). Sao Hỏa Nhân Mã và Thủy tinh trùng Mộc tinh cũng khuếch trương thêm thiên hướng “thích nói đạo lý” này.
Triết học của Trịnh trước tiên mang nặng tính hiện sinh. Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh và sự bất định của thời cuộc, ông sớm khắc khoải trước phận người nhỏ nhoi, mong manh giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, của nỗi buồn và sự cô đơn. Kiếp sống trong mắt người nhạc sĩ Song Ngư là một hành trình vô định trong mệt mỏi và đơn côi: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, để rồi một ngày nhìn lại chỉ thấy buồn bã hư vô: “Ôi phù du/ Từng tuổi xuân đã già/ Một ngày kia đến bờ/ Đời người như gió qua”.
Tuy vậy nhạc Trịnh không đẩy con người vào tuyệt vọng, nhờ tinh thần Phật giáo xuyên suốt trong triết lý của ông. Chính vì hiểu thấu lẽ vô thường của đời người: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”, mà ta càng biết quý hơn những gì đang có, để yêu đời này hơn chứ không chối bỏ cuộc đời. Từ đó Trịnh vẫy gọi mọi người sống tha thiết hết mình: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười”, và sống với lòng bao dung, thương yêu con người: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Triết lý Phật giáo tương hợp một cách hoàn toàn tự nhiên với chất Song Ngư/Hải Vương/nhà 12 trong ông: hòa mình với tha nhân, từ bi thương xót chúng sinh.
🎶 HÁT TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI
Cũng từ lòng xót thương đồng loại đó mà chúng ta có thêm một Trịnh Công Sơn của những bài ca phản chiến. Chứng kiến những cảnh đời điêu linh bị giày xéo bởi bom đạn chiến tranh: “Một chiếc xe tang/ Trái mìn nổ chậm/ Người chết hai lần/ Thịt da nát tan”, lời ca của ông như những tiếng khóc oán than, bởi với Song Ngư thì nỗi đau của người khác cũng chính là nỗi đau của mình. Không toan tính chính trị, không tựa vào một hệ tư tưởng, không đặt mình vào phe nào, Trịnh lên án chiến tranh bởi chính bản chất phi nghĩa, chỉ mang lại mất mát tang thương của nó: “Ôi cái chết đau thương vô tình/ Ôi đất nước u mê ngàn năm”.
Bên cạnh lòng đồng cảm với tha nhân, một nguồn lực khác thôi thúc tinh thần phản chiến của Trịnh Công Sơn là tình yêu quê hương và tinh thần dân tộc. Với sao Kim ở nhà 4 (nguồn cội) và là chủ tinh của nhà 9 (triết lý sống), ông không những đề cao tình yêu đất nước giống nòi, mà đó còn là trọng tâm hệ tư tưởng của ông. Trịnh từ đó buồn thương cho cảnh nước nhà chia cắt, người Việt Nam máu đỏ da vàng bắn giết lẫn nhau. Cộng thêm tinh thần phụng sự (chùm hành tinh nhà 6), ông miệt mài cất tiếng khơi dậy trong đồng bào lòng tin vào một ngày đất nước “Nối vòng tay lớn”:
“Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội
Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn
Nhưng sao lòng tôi vẫn chưa mất niềm tin
Vì quê hương sẽ có ngày hòa bình”.
Tất cả tạo nên người nhạc sĩ đã khai sinh dòng nhạc phản chiến, một biểu tượng vì hòa bình, một “Bob Dylan của Việt Nam”.
🎶 TỪNG NGƯỜI TÌNH BỎ TA ĐI NHƯ NHỮNG DÒNG SÔNG NHỎ
 
Nói về “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỉ”, sẽ là thiếu sót nếu không bàn đôi điều về khía cạnh tình yêu trong đời ông. Với tâm hồn nghệ sĩ và sự siêu nhạy cảm của tính Linh hoạt, không lạ khi suốt cuộc đời làm nghệ thuật đã có vô vàn nàng thơ làm Trịnh Công Sơn rung động và in dấu nơi những tác phẩm của ông, từ “Diễm xưa” đến “Nguyệt ca”, “Thuở Bống là người” v.v..
Tình yêu của Song Ngư mang đậm nét lãng mạn dịu dàng: “Ru em ngồi yên đấy/ Tôi tìm cuộc tình cho”, cùng với lòng vị tha bao dung: “Yêu em, yêu thêm tình phụ/ Yêu em, lòng chợt từ bi bất ngờ”. Với sao Kim và đỉnh nhà 5 đều ở Ma Kết, những nàng thơ của ông thường mang vẻ đẹp cổ điển truyền thống, với “vai em gầy guộc nhỏ” và làn tóc “rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”.
Nhiều cuộc tình đi qua, nhưng không một ai ở lại. Để lí giải điều này hãy nhìn vào nhà 7 (hôn nhân, đối tác) trong bản đồ sao của Trịnh. Sao Thổ trong nhà 7 thường tạo ra tâm lí dè dặt, khó bước vào mối quan hệ chính thức vì e ngại về các trách nhiệm đi kèm, và sâu hơn là mặc cảm mình không đủ tốt với đối phương. Đỉnh nhà 7 Song Ngư, cộng thêm chủ tinh nhà 7 nằm ở nhà 12 của sự thoát li cho thấy Trịnh tìm kiếm một mối quan hệ đầy tính lí tưởng hóa, nơi hai người chỉ nhìn thấy những điểm đẹp đẽ ở nhau, giúp nhau quên đi những mệt mỏi khó khăn đời thực. Rất bay bổng, nhưng cũng rất xa rời thực tế. Dường như ông phù hợp kết đôi với một bóng hình nàng thơ ảo ảnh nào đó trong tâm tưởng hơn là một con người bằng xương bằng thịt với những khiếm khuyết không tránh khỏi. Khuynh hướng này, cộng thêm sự dè dặt của sao Thổ nhà 7 và sự dễ bị lung lay trước các tác động từ hoàn cảnh của tính Linh hoạt có thể lí giải vì sao dù đã vài lần tiến đến rất gần với hôn nhân, Trịnh Công Sơn vẫn “Bên đời hiu quạnh” cho đến ngày xa lìa cõi tạm.
Nhưng có hề gì vì thông qua những khúc ca còn sống mãi, ông vẫn ngày ngày bầu bạn, rất gần, với hàng triệu trái tim Việt Nam.

Tác Giả

Fish

bon bon